1. Bài tập 1, trang 124, SGK.
Tìm cái mới của truyện ngắn Số phận con người trong việc miêu tả cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô.
a) Đây là một câu hỏi khó, cần dựa vào :
- Những kiến thức lịch sử để hiểu tính chất khốc liệt của Chiến tranh thế giới thứ hai.
- Những tốn thất, mất mát lớn lao mà nhân vật An-đrây Xô-cô-lốp phải chịu đựng (về gia đình, về bản thân, về vợ, hai con gái và đứa con trai - niềm hi vọng cuối cùng của anh).
b) Cần nhấn mạnh số phận con người là tác phẩm đưa ra một cách nhìn mới về hiện thực cuộc sống trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai ở Liên Xô (cũ).
Tác giả đã nhìn thẳng vào sự thật, miêu tả trung thực và không né tránh những hi sinh mất mát. Qua đó, nhà văn chỉ ra con người Xô viết không chỉ anh hùng trong chiến tranh (bảo vệ nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, cứu nhân loại khỏi thảm hoạ phát xít) mà còn giàu lòng nhân ái trong cuộc sống đời thường.
2. Hãy phân tích ngắn gọn hoàn cảnh sống của nhân vật An-đrây Xô-cô-lốp sau chiến tranh được tái hiện qua các kí ức, kỉ niệm để thấy được nghị lực của nhân vật này.
Cần nắm được các ý sau :
- Sau chiến tranh, Xô-cô-lốp trở về với một nỗi đau mất mát lớn. Gia đình thân yêu của anh đã bị chiến tranh cướp đi tất cả. Anh trở nên trơ trọi, cô độc. Vết thương tình cảm quá lớn, đến nỗi anh không dám trở về quê hương, nơi anh đã có một quá khứ êm đềm, bình lặng. Quá khứ êm đẹp ấy bao hàm trong nó nhiều tình cảm khác nhau : tình chồng vợ, tình cha con, mẹ con, tình làng nghĩa xóm. Mỗi khi Xô-cô-lốp ngả lưng trên chiếc giường sau một ngày làm việc, cái quá khứ bình yên, hạnh phúc ấy lại hiện về, tới mức bao giờ chiếc gối cũng đầm đìa nước mắt.
- Nhân vật nổi bật trong hoàn cảnh với nỗi đau tinh thần. Kèm theo đó, anh cũng là người không nhà không cửa. Cuộc sống của anh thành ra tạm bợ, phải dựa vào lòng tốt của bạn và phải sống kiểu ăn đậu ở nhờ. Tác giả không để nhân vật phải trăn trở nhiều về điều này mà chỉ nhấn mạnh trong hoàn cảnh đó, anh vẫn phải làm việc để sống và để vơi dần nỗi đau. Nói cách khác là anh cố gắng làm việc hết sức mình cho quên đi nỗi đau tinh thần và tới mức phải dùng tới loại rượu lử người.
- Nghị lực sống thể hiện qua hoàn cảnh bắt buộc phải sống và phải duy trì sự sống, chấp nhận mọi thách thức để sống. Trong hoàn cảnh ấy, phẩm chất quan trọng là xác định thái độ sống có ích, sống cho mình và cho người khác, buồn đau nhưng không hề bi quan và không trở thành gánh nặng cho xã hội.
3. Trình bày ngắn gọn có phân tích những nét đặc biệt trong cuộc đòi của chú bé Va-ni-a trước khi gặp Xô-cô-lốp.
Chiến tranh đã cướp đi của Va-ni-a tất cả những người thân (bố chết ở mặt trận, mẹ chết vì bom khi đi tàu hoả), Va-ni-a cũng trở nên cô độc giữa cuộc đời “đang lên da non”.
- Em lang thang, vật vã, ai cho gì ăn nấy, bạ đâu ngủ đấy. Em chưa thể lao động để nuôi sống mình.
- Em cũng chưa ý thức hết nỗi đau mất cha mẹ mà chiến tranh đã gây ra.
- Đối với em, chỉ có hai việc là ăn và ngủ : ăn thì đi xin còn ngủ thì bất cứ chỗ nào khi cơn buồn ngủ kéo đến.
Advertisements (Quảng cáo)
Hoàn cảnh của em cho thấy nỗi bất hạnh của tuổi thơ không cha không mẹ do chiến tranh gây ra.
4. Phân tích ý nghĩa của tiêu đề số phận con người.
Khi con người bị đặt vào hoàn cảnh bất đắc dĩ, gặp những khó khăn, ngáng trở bất thường thì khi đó ý niệm về số phận xuất hiện, vấn đề là con người nhận thức và ứng xử như thế nào trước những khó khăn mà hoàn cảnh bên ngoài đưa lại.
Xô-cô-lốp và Va-ni-a là hai con người chịu ảnh hưởng nặng nề của hậu quả chiến tranh. Việc họ gắn kết với nhau bằng quan hệ cha - con đã tạo nên bước ngoặt lớn trong cuộc đời của hai nhân vật. Qua đó Sô-lô-khốp khẳng định số phận không phải là một định mệnh thần bí mà do chính con người tạo ra. Hạnh phúc của con người là do chính con người tạo nên. Con người tạo ra chính mình, tạo ra sự khác biệt giữa mình và người khác mà một trong những yếu tố quyết định sự khác biệt đó là phẩm chất, nhân tính.
5. Phân tích ý nghĩa của tình đồng đội và ảnh hưởng của nó tới số phận Xô-cô-lốp, Va-ni-a.
- Trong hoàn cảnh đau thương, mất mát, Xô-cô-lốp không hề đơn độc bởi vẫn có những người bạn cưu mang, giúp đỡ anh. Họ không thể bù đắp được sự mất mát tình cảm gia đình mà anh phải chịu đựng song bằng tình đồng đội, họ đã giúp cho anh cỏ chỗ ở, có công ăn việc làm. Tình đồng đội là động lực giúp Xô-cô-lốp đứng vững trong thử thách mới của cuộc sống
- Tình đồng đội khơi dậy trong Xô-cô-lốp những tình cảm và trách nhiệm mới. Điều này dẫn anh tới một quyết định nhanh chóng, dứt khoát: nhận bé Va-ni-a làm con nuôi. Phẩm chất kiên cường giúp Xô-cô-lốp có nghị lực để vượt qua mọi thử thách còn lòng nhân ái, tình yêu thương con người là yếu tố quyết định việc anh sẵn sàng yêu thương, che chở cho một sinh linh bé nhỏ, bất hạnh như Va-ni-a. Phẩm chất đặc biệt này của Xô-cô-lốp, cũng là của người dân Xô viết nói chung, gần gũi với truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Quyết định nhận bé Va-ni-a làm con của Xô-cô-lốp là dứt khoát, xuất phát từ ý thức trách nhiệm trước thế hệ tương lai và trái tim nhân hậu của một người từng trải qua nhiều đau thương mất mát. Đây là việc làm tự nguyện, xuất phát từ tình yêu thương chứ không phải là một hành động ban ơn.
Như vậy, trong hoàn cảnh khó khăn, đầy rẫy những thách thức, tình người chẳng những không phai nhạt mà trái lại càng được nhân lên, dẫn tới những ứng xử đẹp đẽ. Tầm vóc của nhân vật Xô-cô-lốp thông qua hành vi ứng xử của mình càng trở nên lớn lao hơn. Va-ni-a - đứa con có thể nói và gọi tên là “nhặt được” này đã tạo nên sức mạnh mới trong con người Xô-cô-lốp. Hai mảnh đời bất hạnh và cô độc được gắn kết với nhau bền chặt bởi tình người và tinh thần trách nhiệm.
6. Phân tích ý nghĩa của hình ảnh hai con người một già một trẻ đi bên nhau ở cuối tác phẩm.
Hiện thực cuộc sống trở nên có chiều sâu hơn với chi tiết chiếc xe bị trượt, chạm phải chân của một con bò và thế là Xô-cô-lốp bị tước bằng lái còn con bò thì đứng dậy, ve vẩy đuôi rồi chạy vào trong ngõ. Chi tiết này đặt hai cha con Xô-cô-lốp vào một thử thách mói của số phận. Mất bằng lái xe đồng nghĩa vói việc Xô-cô-lốp mất phương tiện duy nhất để kiếm sống và nuôi con.
Hai cha con Xô-cô-lốp lại phải ra đi mà không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra. Nhưng họ biết chắc chắn rằng phía trước có một đồng đội đang chờ đón để giúp đỡ họ. Như vậy, có thể thấy là trong hoàn cảnh trớ trêu, con người vẫn vươn lên để trụ vững trước mọi sóng gió, thử thách của cuộc đời. Hạnh phúc của con người chính là biết tự mình vượt lên trên số phận.
Hình ảnh hai con người một già một trẻ đi bên nhau ở cuối tác phẩm là một hình ảnh đầy ấn tượng. Hai con ngưòi dường như côi cút giữa dòng đời này, tin cậy hoàn toàn vào nhau, không chút sợ hãi cho dù chưa biết điều gì đang chờ đợi họ ở phía trước. Họ tin vào tương lai và chấp nhận thử thách trong hiện tại để vươn tới tương lai đó. Hình ảnh này gợi ra một ý niệm về hạnh phúc : Trong khổ đau, bất hạnh, con người vẫn có được hạnh phúc khi được tình người, tình đời gắn kết và sưỏi ấm. Hai con người ấy không còn mặc cảm cô đơn, trơ trọi nữa.
7. Tác phẩm số phận con người có đề cập đến hạnh phúc không ? Nên hiểu như thế nào là hạnh phúc chân chính sau khi học tác phẩm này ? Bài học được rút ra từ đoạn kết thúc là gì ?
Tác phẩm số phận con người thể hiện một cách nhìn mới về hạnh phúc :
- Hạnh phúc được xây đắp bằng nghị lực của con người dám chấp nhận và vượt lên trên hoàn cảnh, sống là phải có ích không chỉ cho riêng mình mà còn cho cả những người khác nữa.
- Niềm tin là sức mạnh tạo nên nghị lực để sống, để vượt qua mọi gian lao, thử thách. Đây không chỉ là niềm tin vào chính mình mà còn vào những người khác, tin vào cái thiện, lòng nhân ái trong cuộc đời.
- Xô-cô-lốp là một nhân vật biết tự chủ trong cuộc sống, không ỷ lại, không hề chờ đợi những ân huệ ban phát, sống đối với anh là không ăn bám, không dựa dẫm, là phải làm việc, sống là vì mình nhưng cũng vì người và cho đời. Anh nhận Va-ni-a làm con nuôi không phải xuất phát từ những tính toán vụ lợi mà vì trách nhiệm của con người đối với đồng loại. Và đó là hạnh phúc chân chính.
Cần chú ý tới đoạn kết của tác phẩm, ở đó tác giả nhắc nhở mọi người không được lãng quên quá khứ nhưng cũng đừng để bất cứ một bất hạnh nào mà những người lớn như Xô-cô-lốp đã từng phải chịu đựng tái diễn trong cuộc đời của những đứa trẻ như bé Va-ni-a. Đây cũng là khát vọng hướng tới hoà bình, mong muốn một cuộc sống an bình, ở đó, con người được sống bằng chính sức lao động của mình, ai cũng có thể tự xây đắp cho mình một hạnh phúc riêng.