1. Bài tập 1, trang 192, SGK
Kẻ bảng sau vào vở rồi điền những nội dung cần thiết về tiếng Việt vào các mục trong bảng.
Nguồn gốc và lịch sử phát triển | Đặc điểm của loại hình ngôn ngữ đơn lập |
a) Về nguồn gốc, tiếng Việt thuộc: - Họ: - Dòng: - Nhánh: b) Các thời kì trong lịch sử ........................ |
a).............. b).............. c).............. |
Bài tập yêu cầu kẻ vào vở một bảng theo mẫu rồi điền những nội dung cần thiết về lịch sử và đặc điểm loại hình của tiếng Việt vào bảng đó. Cần nhớ lại kiến thức về nguồn gốc, lịch sử phát triển và đặc điểm loại hình tiếng Việt đã học ở lớp 10, lớp 11 và thể hiện ngắn gọn vào những cột thích ứng trong bảng. Có thể làm như bảng sau:
Nguồn gốc và lịch sử phát triển |
Đặc điểm của loại hình ngốn ngữ đơn lập |
a) Về nguồn gốc, tiếng Việt thuộc : - Họ ngôn ngữ: Nam Á - Dòng ngôn ngữ: Môn-Khmer - Nhánh ngôn ngữ: Việt - Mường b) Các thời kì trong lịch sử: - Thời kì dựng nước - Thời kì Bắc thuộc và chống Bắc thuộc - Thời kì độc lập tự chủ - Thời kì Pháp thuộc - Thời kì từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 |
a) Có một loại đơn vị tự nhiên, vừa là âm tiết, vừa là đơn vị ngữ pháp cơ sở, vừa có thể là từ đơn. b) Tất cả các từ đều không biến đổi hình thái. c) Phương thức ngữ pháp chủ yếu để biểu hiện các ý nghĩa ngữ pháp là trật tự từ và hư từ. |
2. Phân tích những đặc điểm của loại hình ngôn ngữ đơn lập thể hiện trong câu tiếng Việt sau đây:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập.
(Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập)
Cần vận dụng những đặc điểm loại hình đã nói ở bài tập 1 vào việc phân tích câu văn ở bài tập này. Lần lượt nhận ra những đặc điểm sau:
a) Trong câu có 22 âm tiết. Mỗi âm tiết được phát âm tách bạch và được viết riêng thành một chữ. Từng âm tiết đều có thanh điệu. Mỗi âm tiết là một đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có ý nghĩa, trong đó một số âm tiết là từ đơn hoặc có thể là từ đơn trong ngữ cảnh khác : nước, Việt, Nam, một, và, sự, thật, đã, thành, độc, lập.
b) Tất cả các từ đều không biến đổi hình thái cho dù được dùng với các ý nghĩa ngữ pháp và chức năng ngữ pháp khác nhau. Ví dụ : Trong câu từ nước 1 là chủ ngữ, từ nước 2 là phụ ngữ của động từ thành, các từ ngữ tự do và độc lập là phụ ngữ của động từ hưởng, tự do độc lập là định ngữ cho danh từ nước...
c) Phương thức ngữ pháp chủ yếu là trật tự từ và hư từ. Ví dụ : từ nước 1 là chủ ngữ nên đặt ở vị trí đi trước động từ vị ngữ thành, còn từ nước 2 là phụ ngữ nên đặt ở vị trí đi sau động từ đó... về hư từ thì trong câu dùng hai hư từ : và, đã. Từ và liên kết các từ ngữ hoặc vế câu đẳng lập (tự do và độc lập), từ đã là thành tố phụ cho động từ thành, thể hiện ý nghĩa sự việc bắt đầu và kết thúc trong quá khứ nhưng kết quả vẫn lưu giữ trong hiện tại.
3. Xác định phong cách ngổn ngữ và phân tích đặc điểm của phong cách ngôn ngữ đó qua phần văn bản sau đây:
Quá trình phát sinh sự sống là một lịch sử rất dài. Nếu Quả Đất được hình thành cách đây 4,7 tỉ năm thì khoảng 2 tỉ năm đầu là các giai đoạn tiến hoá hoá học và tiền sinh học (từ những hợp chất hữu cơ đơn giản đến sinh vật đầu tiên), hơn 2 tỉ năm tiếp theo là giai đoạn tiến hoá sinh học (từ những sinh vật đầu tiên đến toàn bộ sinh giới hiện nay).
(Trần Bá Hoành - Nguyễn Minh Công, Sinh học 12, NXB Giáo dục, 2006)
Đoạn văn trích dẫn thuộc văn bản mang phong cách ngôn ngữ khoa học (văn bản giáo khoa Sinh học). Nó đề cập đến một nội dung thuộc lĩnh vực sinh học : sự tiến hoá của sự sống trên Trái Đất. Một số đặc điểm về phương tiện ngôn ngữ của phong cách ngôn ngữ khoa học được thể hiện trong đoạn văn :
- Về kết cấu : Đoạn văn có kết cấu quy nạp, phục vụ cho lập luận quy nạp. Câu đầu là câu nêu luận điểm khái quát (kết luận), câu sau là câu nêu luận cứ cụ thể.
Advertisements (Quảng cáo)
- Về câu văn : Các câu đều là những câu đầy đủ thành phần. Câu đầu là câu đơn, câu sau là câu ghép! Câu sau có kết cấu phức tạp, nhiều vế câu, nhiều thành phần, có cả các thành phần chú thích đặt trong ngoặc đơn, và dùng quan hệ từ (nếu, thì, và, từ...) để thể hiện các quan hệ chặt chẽ và mạch lạc.
- Về từ ngữ: Dùng nhiều thuật ngữ khoa học ngành Sinh học (sự sống, phát sinh, quá trình, lịch sử, tiến hoá, hoá học, tiền sinh học, hợp chất hữu cơ, sinh vật, tiến hoá sinh học, sinh giỏi).
4. Xác định phong cách ngôn ngữ và phân tích đặc điểm của phong cách ngôn ngữ đó qua văn bản sau đây:
TIN BÓNG ĐÁ
* Sáng qua (12-2), lần lượt cả K.KH lẫn Boss Bình Định đều hành quân vào Nam để chuẩn bị cho trận đấu tại vòng 1/8 Cúp QG. Cả hai đều đóng quân ở Thành Long để tập luyện. Đến sát ngày thi đấu, Boss Bình Định sẽ di chuyển xuống Long An để gặp đội chủ nhà ĐT.LA.
(Báo Bóng đá, ngày 13 - 2 - 2008)
Đây là văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ báo chí. Một số đặc điểm của phong cách ngôn ngữ báo chí thể hiện ở văn bản này:
- Văn bản rất ngắn.
- Ngoài tên đề mục (Tin bóng đá), văn bản không có tiêu đề riêng mà in đậm dòng chữ đầu thay cho tiêu đề để thu hút sự chú ý của người đọc.
- Văn bản rất chú ý đến những thông tin cụ thể : thời gian, tên chủ thể, hành động, hướng hành động và mục đích hành động, diễn biến tiếp theo. Đây là những thông tin thời sự tối thiểu mà bạn đọc quan tâm.
5. Đoạn trích sau đây nằm trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân - một văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, nhưng thể hiện một hoạt động giao tiếp trong ngôn ngữ sinh hoạt. Hãy phân tích những đặc điểm của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt thể hiện trong đoạn trích.
Một người thở dài. Người khác khẽ thì thầm hỏi :
- Ai đấy nhỉ ?... Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên ?
- Chả phải, từ ngày còn mồ ma ông cụ Tứ có thấy họ mạc nào lên thăm đâu.
- Quái nhỉ ?
Im một lúc, có người bỗng lại cười lên rung rúc.
- Hay là vợ anh cu Tràng ? Ừ, khéo mà vợ anh cu Tràng thật anh em ạ, trông chị ta thèn thẹn hay đáo để.
- Ôi chao ! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không ?
Họ cùng nín lặng.
(Kim Lân, Vợ nhặt)
Đoạn trích thể hiện những đặc điểm của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt:
- Dạng ngôn ngữ nói, có sự đổi vai, luân phiên lượt lời của các nhân vật giao tiếp.
- Có đặc điếm cụ thể : bàn luận về chuyện cụ thể trong đời sống (người phụ nữ đi cùng Tràng là người nào, vợ hay người thân ?).
- Có tính cá thể : mỗi nhân vật một ý kiến, một nhận định khác nhau. Cả thái độ và sự đánh giá của mỗi người đối với cùng một sự việc (anh Tràng về cùng một phụ nữ lạ) cũng khác nhau (ngạc nhiên, lo lắng, than thở, chế nhạo).
- Dùng các từ ngữ và cách nói năng hằng ngày (các từ cảm thán, lời hỏi, lời than, lời đùa cợt).
6. Phân tích đặc điểm của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện trong đoạn thơ sau :
Bảy năm về trước, em mười bảy
Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng
Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa
Bữa thì em tới, bữa anh sang.
Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi.
Em vẫn đùa anh - Sao khéo thế
Núi chồng núi vợ đứng song đôi !
(Vũ Cao, Núi Đôi)
Đặc điểm của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện trong đoạn thơ:
- Tính hình tượng: Hình tượng núi Đôi vừa có thực, vừa biểu trưng cho tình cảm lứa đôi.
- Tính cụ thể : Ý nghĩa thẩm mĩ (tình cảm lứa đôi đẹp đẽ) thể hiện qua các chi tiết cụ thể : địa danh, thời gian, hoạt động. Đồng thời tính cụ thể đó cũng cho thấy tính cá thể : nói về tình cảm lứa đôi thông qua hình tượng độc đáo của hai ngọn núi sóng đôi.
Tính biểu cảm : Đoạn thơ thấm đượm tình cảm của hai người nam nữ trẻ tuổi đối với nhau và đối với cảnh vật quê hương. Tình cảm đó cũng được khơi gợi ở độc giả khi đọc đoạn thơ này.