Nhà thơ đã chứng kiến cảnh nhân dân chạy loạn và viết bài Chạy giặc. Bài thơ thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của nhà thơ và nỗi đau của ông khi phải chứng kiến cảnh nước mất nhà tan.
2. Mặc dù đôi mắt lúc đó đã mù loà, nhưng nỗi đau đớn của một người dân mất nước, hàng ngày chứng kiến cảnh giặc Pháp tấn công và đánh chiếm quê hương đã khiến Nguyễn Đình Chiểu hình dung, tưởng tượng thật rõ ràng cảnh nước mất nhà tan. Ông đã vẽ nên bức tranh đầy máu và nước mắt về một thời điểm lịch sử đen tối của dân tộc. Bài thơ là bức tranh hiện thực những ngày đất nước rơi vào nạn xâm lăng và cũng là tấm lòng của Đồ Chiểu đối với đất nước.
II. RÈN KĨ NĂNG
1. Chủ đề của bài thơ thể hiện tấm lòng yêu nước thương dân, tinh thần trách nhiệm đối với dân tộc của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Bài thơ tái hiện cảnh đau thương của đất nước trong những ngày đầu giặc Pháp đánh chiếm Việt Nam bằng một hệ thống hình ảnh giàu sức gợi. Hệ thống các chi tiết, hình ảnh trong bài thơ có tính thống nhất cao. Tiếng súng Tây dội xuống dẫn đến cảnh tượng thương tâm. Con người, chim chóc, thiên nhiên đều trong dáng vẻ tan tác, xác xơ. Qua bức tranh hiện thực ấy, tác giả bộc lộ tấm lòng tha thiết của mình đối với dân tộc.
2. Tuy bị mù lòa nhưng nhà thơ vẫn miêu tả rất sống động cảnh chạy giặc thông qua một số hình ảnh cụ thể điều đó thể hiện tấm lòng tha thiết chân thành của người viết. Những hình ảnh tuy cụ thể nhưng mang tính khái quát hóa rất cao. Với nỗi đau và niềm đau đáu tình quê hương đất nước nhà thơ đã cảm nhận rất rõ và rất cụ thể nỗi đau của dân tộc. Những hình ảnh ấy không đơn giản là những điều mắt thấy tai nghe mà nó là kết quả của một tình yêu đất nước thiết tha.
3. Nhân vật trữ tình đã thể hiện nỗi đau của một người dân đang đứng trước cảnh nước mất nhà tan với những cung bậc và sắc thái khác nhau.
Hai câu đầu là lời kể, tái hiện lại một tình huống, nhưng đã ẩn chứa nỗi lòng nhà thơ qua trong hình ảnh “bàn cờ phút sa tay”. Tình hình đất nước đã rơi vào cảnh nguy khốn. Nỗi lo lắng, sự chua xót, sự bàng hoàng thể hiện ở các từ ngữ “vừa nghe”, “phút sa tay”. Nguy cơ nước mất, dân tộc mất tự do được khái quát ở hình ảnh “bàn cờ thế phút sa tay”.
Advertisements (Quảng cáo)
Hai câu tiếp theo thể hiện nỗi đau, niềm thương của tác giả trước cảnh nhà tan qua các hình ảnh “lũ trẻ lơ xơ chạy” và “đàn chim dáo dác bay” và cảnh hai con sống Bến Nghé, Đồng Nai. Chỉ với những nét gợi tả trong hai cặp câu thơ ấy thôi, nhà thơ đã khái quát phút giây đau thương của cả dân tộc Việt. Nhà thơ ấy tuy mù loà nhưng nỗi đau của một người dân mất nước đã khiến ông có thể cảm nhận bằng tưởng tượng nhưng rất chính xác cảnh tang thương của quê hương. Hai câu cuối là nỗi trăn trở, sự trách móc của nhà hướng đến những người có trách nhiệm, là vua tôi nhà Nguyễn, là những người có tài, có khả năng đánh giặc. Họ đi đâu để “dân đen mắc nạn này”.
4. Trước cảnh tang thương của đất nước nhà, tác giả cất tiếng cầu cứu tha thiết:
Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng
Nỡ để dân đen mắc nạn này?
Đây là một câu hỏi tu từ. Giọng điệu vừa đau xót, vừa trách móc, vừa day dứt. Tác giả đã dùng từ “trang” để chỉ những người có trách nhiệm trong việc đánh giặc giữ nước. Cách xưng hô ấy không đơn giản là thể hiện sự kính trọng của ông đối với những người có trách nhiệm, có chí lớn, có tấm lòng với dân tộc. Ẩn chứa sau đó còn là nỗi hoài nghi, sự trách móc chua xót, là niềm mong mỏi của nhân dân dành cho những người có đủ sức đủ quyền và có trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc. Chính từ “nỡ” ở câu kết đã thể hiện điều đó. Câu kết cũng chính là niềm mong mỏi thống thiết của Đồ Chiểu và của nhân dân. Họ mong mỏi có những người có đủ sức, đủ tài và đủ tâm đứng lên thực hiện nhiệm vụ đánh giặc giữ nước. Câu hỏi kết thức bài thơ đã tạo nên âm hưởng thật thống thiết cho toàn bài thơ, đồng thời thể hiện tấm lòng đau đáu nỗi niềm non nuớc của ông Đồ Chiểu.
5. Chạy giặc là bài thơ thể hiện tình cảm yêu nước tha thiết của nhà Nho mù Nguyễn Đình Chiểu. Nhà thơ đã ghi lại thật xúc động những giây phút đau thương của cả dân tộc và cất lời kêu gọi người có khả năng, có trách nhiệm đứng lên cứu nước. Ông đã thức tỉnh lòng yêu nước thương nòi trong mỗi người dân Việt. Là một thầy giáo, một thầy thuốc, một nhà thơ mù lòa, không thể trực tiếp cầm súng, cầm giáo đánh giặc, Nguyễn Đình Chiểu đã dùng cây bút làm một thứ vũ khí chiến đấu hiệu quả. Những trang văn trang thơ giàu lòng yêu nước của ông đã đánh thức lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của người dân Việt Nam.