Trang chủ Lớp 12 SBT Văn 12 (sách cũ) Soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa SBT Văn 12 tập 2: Giải...

Soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa SBT Văn 12 tập 2: Giải câu 1, 2, 3 trang 38...

Giải câu 1, 2, 3 trang 38 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 2. Soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa SBT Ngữ Văn 12 tập 2 -

1. Dựa vào văn bản (cả phần lược bỏ và phần trích), hãy tóm tắt cốt truyện Chiếc thuyền ngoài xa.

Tóm tắt cốt truyện :

Để có thể xuất bản một bộ lịch nghệ thuật về thuyền và biển thật ưng ý, trưởng phòng đề nghị nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đi thực tế chụp bổ sung một bức ảnh với cảnh biển buổi sáng có sương mù. Nhân chuyến đi thăm Đẩu, người bạn chiến đấu năm xưa, giờ đang là chánh án toà án huyện, Phùng đi tới một vùng biển từng là chiến trường cũ của anh thời chống Mĩ. Phùng đã “phục kích” mấy buổi sáng mà chưa chụp được bức ảnh nào. Sau gần một tuần lễ suy nghĩ, tìm kiếm, Phùng quyết định thu vào tờ lịch tháng bảy năm sau cảnh thuyền đánh cá thu lưới vào lúc bình minh. Phùng đã chụp được một bức ảnh thật đẹp và toàn bích. Nhưng anh không ngờ chính từ chiếc thuyền ngoài xa thật đẹp ấy lại bước xuống một đôi vợ chồng hàng chài và lão đàn ông thẳng tay quật vợ chỉ để giải toả nỗi uất ức, buồn khổ của mình. Phùng chưa kịp xông ra can ngăn thì thằng Phác, con lão, đã kịp tới để che chở người mẹ đáng thương. Biết Phùng chứng kiến sự tàn bạo của cha mình, thằng bé Phác đâm ra căm ghét anh. Ba hôm sau, cũng trong làn sương sớm, Phùng lại chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ, cảnh cô chị gái tước đoạt con dao găm mà đứa em trai định dùng làm vũ khí để bảo vệ mẹ. Không thể nén chịu hơn được nữa, Phùng xông ra buộc lão phải chấm dứt hành động độc ác. Lão đàn ông đánh trả. Phùng bị thương, anh được đưa về trạm y tế của toà án huyện, ở đấy, anh đã nghe câu chuyện của người đàn bà hàng chài với bao sự cảm thông và ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Anh hiểu được người đàn bà ấy dù bị đánh đập tàn bạo đến mấy vẫn cần có chồng, cần một người đàn ông sức vóc trên chiếc thuyền ngoài biển khơi để kiếm sống nuôi đàn con. Phùng thấm thía : Không thể đơn giản và sơ lược khi nhìn nhận mọi hiện tượng của cuộc đời.

2. Bài tập trang 78, SGK.

Nhân vật nào trong truyện để lại cho anh (chị) ấn tượng sâu sắc nhất? Vì sao?

Anh (chị) có thể lựa chọn nhân vật để lại cho mình ấn tượng sâu sắc nhất. Sau đây là một ví dụ.

Advertisements (Quảng cáo)

Cảm nghĩ về người đàn bà hàng chài:

Tác giả chỉ gọi là “người đàn bà” một cách phiếm định. Tuy không có tên tuổi cụ thể, chỉ là một người vô danh như bao người đàn bà vùng biển khác, nhưng số phận con người ấy lại được tác giả tập trung thể hiện và được người đọc quan tâm nhất trong truyện ngắn này. Trạc ngoài bốn mươi, thô kệch, rỗ mặt, lúc nào cũng xuất hiện với “khuôn mặt mệt mỏi”, người đàn bà ấy gợi ấn tượng về một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ. Bị chồng thường xuyên đánh đập, hành hạ thật khốn khổ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, chị vẫn thầm lặng chịu đựng mọi đớn đau, “không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn”. Chị coi đó là lẽ đương nhiên, chỉ đơn giản bởi trong cuộc mưu sinh đầy cam go, trên chiếc thuyền kiếm sống ngoài biển xa cần có một người đàn ông khoẻ mạnh và biết nghề, chỉ vì những đứa con của chị cần được sống và lớn lên. Qua những lời giãi bày thật tình của người mẹ đáng thương đó ở toà án huyện, người ta càng thấy rõ nguồn gốc mọi sự chịu đựng, hi sinh của người phụ nữ ấy là tình thương vô bờ đối với những đứa con : “[…] Đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. [...] Phải sống cho con chứ không thể sống cho mình”. Suy nghĩ ấy khỉến chị đủ sức âm thầm chịu đựng mọi nỗi khốn khổ : “[] Tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự thâm trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài”. Một sự cam chịu nhẫn nhục như thế thật đáng để chia sẻ, cảm thông. Thấp thoáng trong người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha, đức hi sinh.

3. Có thể hình dung như thế nào về con người tác giả qua truyện ngắn này ?

Tham khảo đoạn văn sau:

Ai đó đã nói, khi đọc truyện, ta luôn thấy bên dưới câu chuyện đang được kể là câu chuyện thứ hai, đó là câu chuyện về tính cách, con người và cuộc đời nhà văn ở truyện Chiếc thuyền ngoài xa, có cảm giác trong hình ảnh nhân vật Phùng như thấp thoáng bóng dáng của chính tác giả. Đó là một con người tài hoa, một nghệ sĩ say mê nghệ thuật, yêu cái đẹp và rung động tinh tế trước mọi vẻ đẹp của cuộc sống và con người. Say mê mà tỉnh táo, nhà văn ấy còn có cái nhìn sắc sảo, luôn cố gắng phát hiện những giá trị đích thực của nhân cách con người, đào sâu vào các tầng vỉa của hiện tượng để khám phá bản chất đích thực của đời sống, ý thức sâu sắc nghệ thuật chân chính luôn tồn tại và phát triển trong mối quan hệ gắn bó với cuộc đời và vì cuộc đời. Đó cũng là một người chiến sĩ nhiệt thành, kiên quyết trong cuộc đấu tranh loại bỏ những cái xấu, cái ác, để con người ngày càng hoàn thiện và cuộc đời ngày càng đẹp tươi.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Văn 12 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)