Cần chú ý những nội dung tri thức liên quan trực tiếp đến tác giả, tác phẩm văn xuôi đã học : Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân), Ai đã đặt tên cho dòng sông ? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi).
Ngoài bốn bài tập trên đây, anh (chị) cần ôn tập, tham khảo và lập dàn ý theo hệ thống bài tập trong bài Nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi.
Anh (chị) cần làm chú những thông tin đã nắm bắt được trong quá trình học và ôn tập để vận dụng cho phù hợp với yêu cầu về cách thức nghị luận và nội dung của từng đề bài, tránh tình trạng lan man, ôm đồm, hoặc ngược lại, không tập hợp đủ thông tin cần thiết để trình bày vấn đề.
Những gợi ý sau đây chỉ là định hướng. Anh (chị) cần nắm bắt các thông tin theo định hướng này và lập dàn ý, hệ thống hoá kiến thức để chuẩn bị tốt cho việc viết bài luận trên lớp.
Phân tích đề, lập dàn ý chi tiết cho các đề bài sau :
1. Đề 3, trang 68, SGK.
Về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích.
yêu cầu anh (chị) chọn một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà mình yêu thích để bàn luận: phân tích giá trị, đánh giá, phát biểu cảm nghĩ về vấn đề đã chọn. Mỗi tác phẩm có một số đặc điểm nổi bật, một số chi tiết, hình tượng đóng vai trò mấu chốt, tạo ấn tượng đặc biệt. Tiếp cận mỗi tác phẩm, có thể lựa chọn những hướng, những cách khai thác khác nhau, chú trọng đến những phương diện khác nhau. Vì vậy, với đề bài này, không nên trình bày một cách dàn trải về toàn bộ giá trị nghệ thuật và nội dung của một truyện ngắn đã học, đã đọc mà chỉ nên đi sâu vào nghị luận về một vấn đề mà anh (chị) đánh giá là có ý nghĩa, có vai trò quan trọng trong tác phẩm. Khi nêu vấn đề này để bàn luận, cần giải thích một cách ngắn gọn, sáng rõ lí do lựa chọn vấn đề trên cơ sở cả yếu tố khách quan (tác phẩm) và chủ quan (quan niệm của bản thân). Anh (chị) nên chọn những tác phẩm mà mình nắm vững, có đầy đủ thông tin về tác giả, tác phẩm.
Sau đây là gợi ý về một số tác phẩm có thể lựa chọn để trình bày vấn đề.
a) Vợ nhặt (Kim Lân)
Có thể lựa chọn một trong những vấn đề sau để bàn luận :
- Giá trị của tình huống truyện “nhặt được vợ” :
+ Tính có vấn đề của tình huống truyện.
+ Vai trò của tình huống truyện đối với việc thể hiện số phận, tâm lí nhân vật.
+ Vai trò của tình huống truyện đối với việc thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.
+ Quan hệ của tình huống truyện với các chi tiết nghệ thuật quan trọng khác của tác phẩm : bữa cơm ngày đói, lá cờ đỏ sao vàng trong tâm trí Tràng.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật :
+ Cách miêu tả ngoại hình.
+ Cách miêu tả ngôn ngữ.
+ Cách diễn tả hành động.
+ Cách miêu tả diễn biến nội tâm.
+ Đánh giá những điểm nổi bật về nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật trong truyện ngắn Vợ nhặt.
- Nghệ thuật lựa chọn, kết hợp tình tiết nghệ thuật quan trọng:
+ Xác định hệ thống tình tiết mấu chốt của tác phẩm : bát bánh đúc giữa chợ, bữa cơm gia đình đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng trong tâm trí Tràng.
+ Phân tích mối quan hệ lôgíc của các tình tiết này trong vai trò với cốt truyện, số phận và tâm lí nhân vật.
+ Đánh giá mối quan hệ của toàn bộ các tình tiết này trong vai trò biểu hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm.
b) Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)
Có thể lựa chọn một trong những vấn đề sau để bàn luận :
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật
+ Đặc điểm nổi bật của nhân vật Mị và A Phủ.
+ Cách lựa chọn, kết hợp các chi tiết nghệ thuật để diễn tả tính cách phù hợp với những đặc điểm chung, đặc điểm riêng của hai nhân vật : ngoại hình, hành động, ngôn ngữ, tâm lí.
+ Đánh giá khái quát những điểm nổi bật về cách xây dựng nhân vật trong tác phẩm.
- Hình tượng nhân vật Mị:
+ Vai trò trung tâm của nhân vật này trong truyện ngắn.
+ Những đặc điểm nổi bật trong cách xây dựng nhân vật.
+ Những điểm nổi bật trong tính cách nhân vật.
+ Đánh giá chung về giá trị nghệ thuật của hình tượng nhân vật.
- Hệ thống chi tiết nghệ thuật tiêu biểu liên quan đến nhân vật chính (Mị uống rượu, Mị đi chơi xuân, Mị cắt dây trói cho A Phủ và trốn khỏi nhà thống lí Pá Tra):
+ Mối quan hệ của các chi tiết này.
+ Vai trò của hệ thống chi tiết trong việc thể hiện số phận, tính cách nhân vật.
+ Vai trò của hệ thống chi tiết trong việc biểu hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.
c) Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu)
Có thể lựa chọn một trong những vấn đề sau để bàn luận :
- Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện :
+ Tính chất nghịch lí của tình huống truyện.
+ Vai trò của tình huống truyện đối với việc biểu hiện bản chất đời sống, con người trong tác phẩm.
+ Vai trò của tình huống truyện đối với việc thể hiện quan niệm nghệ thuật, triết lí nhân sinh của tác giả.
- Nhân vật người nghệ sĩ - người kể chuyện - và quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu:
Advertisements (Quảng cáo)
+ Tính chất, vai trò của nhân vật người nghệ sĩ nhiếp ảnh đồng thời là người kể chuyện trong tác phẩm.
+ Tính chất của thế giới đời sống và con người trong cái nhìn của người nghệ sĩ.
+ Vai trò của nhân vật này đối với việc thể hiện quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu.
- Hình tượng nhân vật người cha và đứa con trai:
+ Những đặc điểm nổi bật của hai nhân vật.
+ Tính chất nghịch lí của quan hệ cha, con trong tác phẩm.
+ Ý nghĩa của sự xung đột cha, con trong tác phẩm.
+ Triết lí nhân sinh mà tác giả gửi gắm qua hình tượng hai nhân vật này.
Tuỳ theo mỗi tác phẩm được lựa chọn mà anh (chị) có thể tìm hiểu, xác định vấn đề cần nghị luận. Có thể lựa chọn cả những tác phẩm ngoài chương trình đã học, nhưng nhất thiết phải chọn những tác phẩm có giá trị nghệ thuật tích cực và phải tìm hiểu kĩ về tác phẩm trước khi bàn luận.
2. Suy nghĩ của anh (chị) về giá trị nghệ thuật của chi tiết Mị cắt dây trói cho A Phủ và cùng A Phủ trốn khỏi nhà thống lí Pá Tra (trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài).
Để trình bày về vấn đề này, cần chú ý một số định hướng sau :
- Xác định rõ vị trí, mối quan hệ của chi tiết Mị cắt dây trói cho A Phủ và cùng A Phủ trốn khỏi nhà thống lí Pá Tra với hệ thống các chi tiết quan trọng của cốt truyện.
- Hiểu rõ vai trò của chi tiết này đối với việc thể hiện diễn biến số phận, tính cách nhân vật.
- Hiểu rõ vai trò của chi tiết này đối với việc biểu hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.
3. Phân tích tính biểu tượng của hình ảnh rừng xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành).
Để trình bày về vấn đề này, cần chú ý một số định hướng sau :
- Xác định rõ vai trò của hình tượng rừng xà nu trong truyện ngắn:
+ Không gian nghệ thuật: tạo nên bối cảnh của toàn bộ sự kiện trong thiên truyện.
+ Hình tượng nghệ thuật mang tính biểu trưng: tượng trưng cho con người Xô Man.
- Nắm vững các tầng nghĩa biểu trưng của hình ảnh rừng xà nu và hệ thống chi tiết nghệ thuật cụ thể biểu hiện các tầng nghĩa này:
+ Sự nối tiếp của các thế hệ dân làng Xô Man.
+ Những phẩm chất tốt đẹp của con người Xô Man.
+ Sức sống, sức mạnh đấu tranh quật cường của dân làng Xô Man.
- Nắm vững vai trò của hình tượng rừng xà nu đối với việc thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.
4. “Vợ nhặt là câu chuyện buồn về số phận con người trong nạn đói năm 1945 nhưng đằng sau những đau thương là tấm lòng nhân hậu, trái tim tin yêu và sự trân trọng khát vọng của con người của Kim Lân”.
Anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Tham khảo những gợi ý sau :
a) Vợ nhặt là câu chuyện buồn về số phận con người trong nạn đói năm 1945
Tác phẩm khái quát bức tranh xã hội Việt Nam thời kì đen tối trước Cách mạng:
- Không khí tang tóc, u ám ; thiên nhiên, cảnh vật thê lương ảm đạm ; những người đói đi lại như những bóng ma dật dờ.
- Số phận, tính cách con người cũng bị nạn đói làm cho thay đổi và đẩy vào tình cảnh bi đát:
+ Tràng : người đàn ông ngụ cư, nghèo khổ bỗng lấy được vợ chỉ nhờ bốn bát bánh đúc và mấy câu đùa tầm phào. Việc trọng đại của một đời người diễn ra một cách vừa hài hước, vừa đẫm nước mắt: hạnh phúc với Tràng như một câu chuyện đùa, một sự may rủi ngẫu nhiên.
+ Bà cụ Tứ : người phụ nữ nghèo, chồng chết sớm, con gái lấy chồng xa, bà cụ dành hết tình yêu thương cho con trai nhưng không thể lo được hạnh phúc cho con, phải ngậm ngùi chứng kiến con lấy vợ trong một tình huống trớ trêu.
+ Người vợ nhặt: không tên tuổi, không tài sản, không nghề nghiệp, không người thân, không quê hương. Cái đói huỷ hoại hình hài, làm tha hoá tính cách và biến thị thành một thứ rẻ rúng như đồ rơi vãi ngoài đường.
Số phận con người trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 được Kim Lân phản ánh chân thực và sâu sắc trong tác phẩm.
b) Vợ nhặt thể hiện tấm lòng nhân hậu, trái tim tin yêu và sự trân trọng khát vọng của con người của Kim Lân
Vợ nhặt phản ánh tình cảnh khốn cùng của con người trong nạn đói năm 1945, nhưng điều Kim Lân hướng tới không phải là bóng đen của cái chết mà là khẳng định sự sống : trong hoàn cảnh đói khố, cận kề cái chết con người vẫn đùm bọc, nương tựa vào nhau, vẫn vươn lên để sống và khao khát hạnh phúc. Điều đó thể hiện tấm lòng nhân hậu, trái tim tin yêu và sự trân trọng khát vọng của con người của Kim Lân. Nhà văn phát hiện phía sau những số phận bi thảm là vẻ đẹp tâm hồn, là những khát vọng đầy tính nhân bản của con người.
- Nhà văn khẳng định và ngợi ca tấm lòng nhân hậu và khát vọng hạnh phúc của Tràng thông qua sự kiện nhặt được vợ. Cái đói, những lo lắng về cuộc sống trong nạn đói từng ám ảnh Tràng nhưng anh chấp nhận lấy người đàn bà sắp chết đói làm vợ sau cái tặc lưỡi : “Chậc, kệ”. Tưởng như một sự chấp nhận liều lĩnh, nhưng phía sau quyết định đó là tấm lòng nhân hậu, sự cảm thông với người cùng cảnh ngộ. Tâm hồn Tràng luôn hướng tới sự sống, khao khát hạnh phúc gia đình nên khi “nhặt” được vợ, anh thấy cuộc sống hạnh phúc hơn và con người Tràng cũng thay đổi. Tràng trở nên hào phóng, chu tất, lễ phép ; có trách nhiệm với mình, với gia đình ; thấy mình nên người và nghĩ đến tương lai (chi tiết cuối tác phẩm).
- Nhà văn thấu hiểu và ngợi ca vẻ đẹp của bà cụ Tứ - một người mẹ từng trải, nhân hậu, bao dung:
+ Tình thương con thể hiện ở sự lo lắng, vun vén cho hạnh phúc của con.
+ Tấm lòng bao dung của một ngưòi phụ nữ, một người mẹ thể hiện qua tình cảm, thái độ với người con dâu.
+ Niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai tốt đẹp thể hiện qua cuộc trò chuyện trong bữa cơm đón nàng dâu mới.
- Người “vợ nhặt” cũng được Kim Lân dành cho những trang viết chan chứa yêu thương, cảm thông, trân trọng:
+ Hành động theo không làm vợ Tràng của người phụ nữ nếu trong mắt một nhà văn lạnh lùng thì sẽ được thể hiện bằng những chi tiết hài hước, mỉa mai. Nhưng bằng sự cảm thông, thấu hiểu của một trái tim nhân hậu, Kim Lân đã chỉ ra động lực của hành động liều lĩnh này: chống lại cái đói, cố gắng tìm sự sống.
+ Nhà văn đã phát hiện ra những phẩm chất tốt đẹp ở người đàn bà “vợ nhặt”. Cái chao chát, chỏng lỏn chỉ là những biểu hiện nhất thời do sự tác động của hoàn cảnh. Khi đã có một gia đình để yêu thương, có một tương lai để hi vọng thì người đàn bà đó lại trở về với những phẩm chất tốt đẹp vốn có của một người phụ nữ lao động.
Tư tưởng nhân đạo của Kim Lân hướng về quần chúng lao động, khẳng định phẩm chất và sức sống bền bỉ của họ. Tác giả đặt niềm tin vào những khát vọng bình dị và chân chính của con người. Trong nạn đói khủng khiếp và trước sự đe doạ của cái chết, con người vẫn muốn sống, vẫn khát khao tình thương và chính sự gắn bó, nương tựa vào nhau đã cho họ niềm tin để sống. Tư tưởng nhân đạo của Kim Lân trong Vợ nhặt dựa trên sự am hiểu sâu sắc, gắn bó với đời sống của người nông dân của một cây bút vốn là con đẻ của đồng ruộng.
(Nguyễn Thị Hương soạn)