Câu 1
(Bài tập 2, SGK) Tìm ẩn dụ trong những câu thơ dưới đây. Nêu tác dụng của các ẩn dụ đó đối với việc miêu tả sự vật và biểu cảm.
Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng
À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon
À ơi này cái trăng tròn
À ơi này cái trăng còn nằm nôi...
[…]
À ơi này cái Mặt Trời bé con...
(Bình Nguyên)
Đọc và xác định
- Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
- Ẩn dụ ở các câu thơ đã cho là: cái trăng vàng, cái trăng tròn, cái trăng còn nằm nôi, cái Mặt Trời bé con
- Tác dụng của các ẩn dụ đối với việc miêu tả sự vật và biểu cảm:
+ Tác dụng miêu tả: Các ẩn dụ cái trăng vàng, cái trăng tròn, cái trăng còn nằm nôi, cái Mặt Trời bé con đều ngầm chỉ đứa con nhỏ thân thương của người mẹ. Các ẩn dụ này cho thấy đối với người mẹ, đứa con nhỏ như là sinh thể hoàn thiện, kì diệu, ngời sáng, có thể ví với trăng, Mặt Trời mà trong hình dung của con người, là những thực thể hoàn thiện nhất, kì diệu nhất, tỏa sáng rực rỡ nhất trên thế gian.
+ Tác dụng biểu cảm: Các ẩn dụ trên đây thể hiện tình cảm sâu nặng của người mẹ đối với đứa con nhỏ: Khi nhìn nhận đứa con nhỏ như là sinh thể hoàn thiện, kì diệu, ngời sáng (được ví với trăng, Mặt Trời), người mẹ đặt tất cả tình thương yêu, sự kì vọng vào sinh thể nhỏ bé đó.
Câu 2
Tìm biện pháp tu từ ẩn dụ được sử dụng trong khổ thơ dưới đây. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó đối với việc miêu tả sự vật và biểu cảm.
Anh đội viên nhìn Bác
Càng nhìn lại càng thương
Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm.
(Minh Huệ)
Đọc và xác định
- Ẩn dụ trong khổ thơ: Ở khổ thơ đưa ra chỉ có một ẩn dụ là Người Cha (được sử dụng để gọi Bác Hồ).
- Tác dụng miêu tả, biểu cảm của ẩn dụ :
+ Tác dụng miêu tả: Việc dùng ẩn dụ Người Cha để gọi Bác Hồ đã phản ánh chân thực phẩm chất cao đẹp của Bác. Đó là phẩm chất của người cha: gần gũi, thân thương, săn sóc tận tình, chu đáo đối với người chiến sĩ mà Bác coi như những đứa con của mình.
+ Tác dụng biểu cảm: Hình ảnh ẩn dụ cho ta thấy tình cảm ấm áp, gần gũi của Bác dành cho các anh đội viên và tình cảm của anh đội viên dành cho Bác sánh như tình phụ tử.
Câu 3
(Bài tập 3, SGK) Trong cụm từ và các tục ngữ (in đậm) dưới đây, biện pháp tu từ ẩn dụ được xây dựng dựa trên cơ sở so sánh ngầm giữa những sự vật, sự việc nào?
a) Ru cho cái khuyết tròn đầy
Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau.
(Bình Nguyên)
b) Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
(Tục ngữ)
Advertisements (Quảng cáo)
c) Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
(Tục ngữ)
Đọc và xác định
Bài tập này yêu cầu chỉ ra những sự vật, sự việc được so sánh ngầm với nhau trong các ẩn dụ (là những cụm từ in đậm).
- Ở câu a), sự vật, sự việc thuộc thế giới tự nhiên được biểu thị bởi cụm từ cái khuyết tròn đầy (trăng khuyết rồi sẽ tròn) được so sánh ngầm với sự vật, sự việc tương đồng thuộc đời sống con người: đứa con nhỏ (chưa trưởng thành) rồi sẽ khôn lớn, trưởng thành, hoàn thiện (dưới sự chăm sóc ân tình của bàn tay mẹ).
- Ở câu b), sự vật, sự việc cụ thể được biểu thị bởi câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây (Khi ăn quả, ta phải nhớ đến người trồng cây) được so sánh ngầm với sự vật, sự việc tương đồng nhưng có tính khái quát: Hưởng thụ thành quả, cần biết ơn người tạo ra thành quả đó.
- Ở câu c):Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng (ở gần mực thì sẽ bị mực dính vào, làm bẩn; ở gần đèn thì sẽ sáng sủa, rạng rỡ hơn) được so sánh ngầm với sự vật, sự việc tương đồng nhưng có tính khái quát: khi ta tiếp xúc với những điều xấu thì sẽ dễ dàng bị tiêm nhiễm theo. Ngược lại, khi ta được sống trong môi trường lành mạnh thì cuộc sống sẽ được ảnh hưởng nhiều về mặt tích cực. Vì vậy, con người cần tránh xa những điều xấu xa, sai trái, hướng đến những điều tốt đẹp, những chân lí của cuộc sống để trở thành một con người có ích cho xã hội.
Câu 4
Ghép các ẩn dụ là thành ngữ ở cột A với các nghĩa phù hợp nêu ở cột B:
Đọc và xác định
1 - e; 2 - c; 3 - d; 4 - b; 5 - a
Câu 5
Cách dùng các từ in đậm trong những câu dưới đây có gì khác cách dùng bình thường?
Chỉ ra nét tương đồng giữa cảm giác được gọi ra nhờ mỗi từ in đậm (ví dụ: mỏng) với cảm giác được biểu thị bằng từ ngữ bình thường (ví dụ: khẽ). Nêu tác dụng của các ẩn dụ cảm giác đó đối với việc miêu tả sự vật, hiện tượng.
a) Ngoài thềm rơi chiếc lá đa,
Tiếng rơi rất mỏng như là nơi nghiêng.
(Trần Đăng Khoa)
b) Với đôi cánh đẫm nắng trời
Bầy ong bay đến trọn đời tìm hoa.
(Nguyễn Đức Mậu)
c) Em thấy cả trời sao
Xuyên qua từng kẽ lá
Em thấy cơn mưa rào
Ướt tiếng cười của bố.
d) Buổi sáng, mọi người đổ ra đường. Ai cũng muốn ngẩng lên cho thấy mùi hồi chín chảy qua mặt.
(Tô Hoài)
Chỉ ra nét tương đồng giữa các cảm giác được biểu thị bởi các ẩn dụ (mỏng, đẫm, ướt, chảy) và nêu tác dụng của các ẩn dụ đó đối với việc miêu tả sự vật, hiện tượng
- Ở câu a), ẩn dụ cảm giác (ẩn dụ chuyển đổi cảm giác) là mỏng (Tiếng rơi rất mỏng...). Ở ẩn dụ này, cảm giác (thính giác) về tính chất (khẽ hay nhẹ) của âm thanh (tiếng rơi) được so sánh ngầm với cảm giác (thị giác hay xúc giác) về tính chất (mỏng) của vật thể (sách mỏng). Nét tương đồng giữa hai cảm giác này là sự cảm nhận về độ nhỏ của vật thể (sách mỏng là sách có ít trang) hoặc của âm thanh (tiếng rơi khẽ là tiếng rơi phát ra ít tiếng động, gần như không nghe thấy). Nhờ ẩn dụ này mà âm thanh – vật vô hình – được hình dung một cách rất cụ thể, sinh động.
- Ở câu b), ẩn dụ cảm giác là đẫm (Với đôi cánh đẫm nắng trời). Ở ẩn dụ này, cảm giác về nắng (đọng nhiều trên cánh ong) được so sánh ngầm với cảm giác về lượng nước (hay chất lỏng) đọng nhiều ở vật thể (mắt đẫm lệ). Nét tương đồng giữa hai cảm giác này là sự cảm nhận về trạng thái của sự vật bị ngấm đọng nhiều chất gì đó (nước, nắng). Tác dụng của việc dùng ẩn dụ đẫm trong câu thơ trên đây là qua cách kết hợp từ bất ngờ, độc đáo, tác giả không chỉ miêu tả được một hình ảnh đẹp về sự cần cù, chăm chỉ của loài ong mà còn gợi cho người đọc một liên tưởng giàu ý nghĩa giữa sự cần cù, chăm chỉ đó với nắng vàng, hoa thơm và những giọt mật ngọt mà loài ong mang lại cho đời.
– Ở câu c), ẩn dụ cảm giác là ướt (Ướt tiếng cười của bố). Ở ẩn dụ này, cảm giác (thính giác) về tiếng cười bị cơn mưa rào át đi được so sánh ngầm với cảm giác (thị giác) về tính chất (ướt) của vật thể bị ngấm nước. Nét tương đồng giữa hai cảm giác này là cảm nhận về sự biến đổi (sự mất đi) tính chất vốn có của sự vật (do tác động của mưa). Cách kết hợp từ bất ngờ, độc đáo ở ẩn dụ này không chỉ biểu thị sự gián đoạn của âm thanh (tiếng cười) mà còn miêu tả một cách cụ thể nỗi vất vả và tinh thần lạc quan của người bố (trong bài thơ là một chiến sĩ).
– Ở câu d), ẩn dụ cảm giác là chảy (mùi hồi chín chảy qua mặt). Mùi hồi chín rất thơm, hương thơm tràn ngập đến nỗi cảm giác như có thể kết thành dạng lỏng mà chảy nhẹ nhàng. Động từ “chảy” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nó khi được dùng để so sánh với độ thơm mát của hương hồi.