Bài tập
1. Đọc những câu văn sau đây rồi trả lời câu hỏi ghi bên dưới :
Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường.
[…] Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh.
(Thanh Tịnh, Tôi di học)
Em hãy cho biết : Những câu viết tiếp sau có thể là những dòng nghị luận được hay không ? Vì sao ?
2. Còn trong trường hợp dưới đây, theo em, Nhan Xúc có cần phải đáp lại Tề Vương bằng lời nghị luận không ? Vì sao ?
Tuyên Vương nước Tề gọi Nhan Xúc vào yết kiến, bảo :
- Xúc, lại đây !
Xúc cũng nói :
- Vua, lại đâỵ !
[...] Tuyên Vương nổi giận, biến sắc nói:
- Quần vương đáng tôn quý hay hiền sĩ đáng tôn quý ?
(Chiến quốc sách)
3. Dưới đây là phần đầu của câu chuyện có nhan đề Không nhận cá :
Công Nghi Hưu làm tướng nước Lỗ, tính thích ăn cá. Một hôm có người đem cá biếu, ông lại không nhận. Em ông lấy làm lạ, hỏi : "Anh thích ăn cá, người ta đem cá cho, sao anh lại không nhận ?”.
Công Nghi Hưu nói : "Người ta đem cá cho chắc có ý cầu ta việc gì. Nếu ta nhận, tất ta phải giúp việc người. Ta giúp việc người, lỡ làm trái phép nước thì đến mất quan. Đã mất quan thì chẳng những không có cá biếu, mà đến mua cá lấy để ăn cũng không có nữa. Cho nên ta không nhận cá, chính là ta muốn được có cá ăn lâu dài mãi mãi đó...”.
Advertisements (Quảng cáo)
(Theo Cổ học tinh hoa)
Theo em, như thế có phải là Công Nghi Hưu đã nghị luận không ? Nếu đúng là Công Nghi Hưu đã nghị luận thì ông nghị luận để thuyết phục ai ? Người mà ông cần thuyết phục đó đã gặp phải vấn đề gì ? Công Nghi Hưu đã thuyết phục người đó bằng những lí lẽ nào ?
4. Có một câu chuyện dân gian kể rằng :
Một ông bố vợ và hai chàng con rể đưa nhau đi chơi. Bố nghe thấy tiếng con ngỗng kêu mới hỏi : "Làm sao tiếng nó to thế nhỉ ?”.
Người con rể là học trò nhanh nhảu nói chữ : "Trường cảnh tắc đại thanh” (Câu chữ Hán, có nghĩa là : cổ dài thì tất tiếng to).
Ông bố nắc nỏm khen chàng con rể học trò là hay chữ. Anh con rể là người làm ruộng mới bẻ lại : "Thế con ễnh ương thì cổ đâu mà tiếng cũng to ?”.
Anh học trò tịt mít, không sao đáp được. Lúc ấy, ông bố vợ mới gật gù : "Thế mới biết thà dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng !”.
(Theo Hợp tuyển văn học dân gian)
Theo em, anh học trò trong câu chuyện này có nghị luận không ? Nếu có thì anh ta nghị luận về vấn đề gì ? Và vì sao sự nghị luận của anh ta lại không thuyết phục được ai ?
5. Bài tập 4, trang 10 -11, SGK.
Gợi ý làm bài
1. Hãy nhớ lại kiến thức cơ bản ghi trong SGK : Nhu cầu nghị luận chỉ sinh ra khi người nói (người viết) muốn phát biểu một quan điểm, nhận định nào đó nhằm thuyết phục người đọc (người nghe). Sẽ rất dễ dàng xác định nhân vật "tôi” ở đây có nhu cầu ấy hay không.
2. Trong trường hợp được kể lại trong bài tập này, Nhan Xúc hiển nhiên phải nêu quan điểm của mình để trả lời câu hỏi của vua Tề : Ai đáng quý, quân vương hay hiền sĩ ? (Ông sẽ nói : "Kẻ sĩ đáng tôn quý, quân vương không đáng tôn quý”).
3. Công Nghi Hưu đã nêu quan điểm và sau đó đã dùng những lời nói hợp với lẽ phải để bảo vệ cho quan điểm của mình. Như thế, rõ ràng là Công Nghi Hưu đã nghị luận. Như nội dung câu chuyện cho thấy, Công Nghi Hưu nghị luận để thuyết phục em ông, người đang "gặp phải vấn đề”. Vì người em rất muốn được hiểu rõ : Tại sao một người thích ăn cá nhưng khi được cho cá thì lại nhất định không nhận (bởi theo lẽ thường, đã thích ăn cá, lại có người mang cá đến cho thì phải nhận mới là "có lí”). Công Nghi Hưu bằng sự nghị luận của mình để làm cho người em thấy rõ một chân lí sâu xa hơn thế : nhận thì có thể làm trái phép nước, có thể mất chức, như thế thì chỉ được ăn cá một lần này thôi ; không nhận mới là cách để được ăn cá lâu dài. (Em cũng nên cố gắng suy nghĩ thêm : đây có phải chỉ là chuyện thích cá và nhận cá hay không, hay còn là một điều gì lớn, sâu nhiều lần hơn thế ?)
4. Anh học trò "hay chữ lỏng” kia cũng nghị luận đấy chứ ! Bởi vì anh ta cũng đang muốn thuyết phục ông bố vợ đang "gặp phải vấn đề” cần làm sáng rõ là tại sao có những con vật kêu to thế. Và anh ta cũng đã giải đáp thắc mắc đó bằng cái điều mà anh ta cho là chân lí : Cổ dài ắt tiếng phải to. Nhưng sự nghị luận ấy phải thất bại, không thể khác, vì lời nói của anh ta không phù hợp với sự thật hiển nhiên là vẫn có con vật cổ ngắn mà tiếng cũng rất to, như con ễnh ương mà anh nông dân đã nêu ra để bắt bẻ. Điều đó chứng tỏ : Muốn nghị luận thành công thì phải học hành đến nơi đến chốn, phải suy nghĩ kĩ càng và phải hiểu biết thực tế đời sống.
5. Để trả lời chính xác câu hỏi, em cần xem xét thật kĩ càng : Bài văn ấy được viết ra để làm gì, chủ yếu là để kể chuyện về hai biển hồ ở Pa-le-xtin (nếu thế, đây có thể là văn tự sự), hay là muốn thông qua câu chuyện về hai biển hồ đó để nêu lên một tư tưởng đúng đắn về lẽ sống ở đời (nếu thế, đây phải là văn nghị luận) ?