Bài tập
1. Trong các câu và cụm từ sau đây, em khẳng định câu, cụm từ nào là luận điểm ? Vì sao ?
- Chống nạn thất học.
- Thiếu người giỏi thì không thể xây dựng được đất nước giàu mạnh.
- Sự thất học của nhân dân ta trong thời Pháp thuộc.
- Vấn đề nâng cao dân trí hiện nay.
- Phụ nữ lại càng cần phải học.
- Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của mỗi người.
- Không có gì quý hơn độc lập, tự do.
- Học, học nữa, học mãi.
2. Từ các ví dụ trong bài tập 1, em hãy nêu ra nội dung, đặc điểm và yêu cầu của luận điểm trong văn nghị luận.
3. Luận cứ bao gồm lí lẽ và dẫn chứng. Trong các điều cho dưới đây, điều nào có thể là lí lẽ, điều nào có thể là dẫn chứng ?
- 78 triệu người dân Việt Nam.
- Trước Cách mạng tháng Tám, 95 phần trăm dân ta mù chữ.
- Lấy dân làm gốc.
- Có thực mới vực được đạo.
- Mọi người dân Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình...
- Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước.
Advertisements (Quảng cáo)
- Nhiều người có thói quen xấu hay vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng.
4. Từ các ví dụ trong bài tập 3, có bạn nói : "Mọi luận điểm đều có thể dùng làm lí lẽ.” Có bạn không tán thành, nói thêm : "Chỉ những luận điểm đã được chứng minh, được thừa nhận, thì mới có khả năng làm lí lẽ (luận cứ).” Em tán thành ý kiến nào ? Vì sao ?
5. Tìm xem đoạn nào trong các đoạn văn sau có tính chất lập luận và hãy chỉ ra đâu là luận điểm, đâu là luận cứ.
- Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử.
- Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí.
- Công việc này, mong anh chị em thanh niên sốt sắng giúp sức.
- Nhân dân Việt Nam rất thông minh, cần cù, dũng cảm. Nhân dân Việt Nam lại yêu lao động, yêu hoà bình. Nhân dân Việt Nam lại rất hiếu khách.
- Do dân trí còn thấp nên nhân dân ta không hiểu biết đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Gợi ý làm bài
1. Chú ý nắm vững tiêu chí của luận điểm :
- Là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của người viết ;
- Là câu văn có hình thức một câu khẳng định (hay phủ định) một tư tưởng, quan điểm nào đó.
Thiếu hai tiêu chí đó thì không phải luận điểm. Dùng hai tiêu chí đó mà xét rồi chỉ ra các cụm từ không phải là luận điểm.
2. Liên hệ với cách giải bài tập 1 để làm bài tập này.
3. Chú ý : Lí lẽ cũng là một tư tưởng, quan điểm (luận điểm) đã được thừa nhận, trở thành chân lí phổ biến. Theo cách hiểu này, phải chăng các điều nêu ra đều có thể được dùng làm luận cứ ?
4. Trong hai ý kiến đó, lí lẽ phải là các luận điểm đã trở thành chân lí phổ biến được mọi người thừa nhận. Chỉ các chân lí phổ biến được thừa nhận mới có thể làm luận cứ, vì như thế nó mới có sức thuyết phục.
5. Lập luận bao giờ cũng bao gồm luận cứ và luận điểm ; trong lập luận, luận điểm có thể đứng trước hoặc đứng sau luận cứ. Trong 5 đoạn văn trên, các đoạn thứ ba và thứ tư không có tính chất lập luận.