Giải câu 1, 2 trang 26 Sách bài tập (SBT) Ngữ văn 6 tập 2. 1. Lập dàn ý, viết mở bài và kết bài cho đề 1, trang 49, SGK.
Bài tập
1. Lập dàn ý, viết mở bài và kết bài cho đề 1, trang 49, SGK.
2. Lập dàn ý cho đề 2, trang 49, SGK.
Gợi ý làm bài
1. Dàn ý của một bài văn tả cảnh gồm có ba phần : Mở bài, Thân bài và Kết bài. Mỗi phần tuy có một nội dung riêng nhưng liên quan chặt chẽ với nhau.
Mở bài : người ta thường giới thiệu cảnh, vật được tả. Thân bài : đi sâu vào lần lượt miêu tả các chi tiết tiêu biểu của cảnh, vật đó theo một thứ tự. Thứ tự đó có thể là từ trên xuống dưới, từ thấp lên cao, từ trong ra ngoài, từ khái quát đến cụ thể, từ xa đến gần... hoặc ngược lại. Kết bài : thường nêu cảm nghĩ về cảnh, vật mà mình vừa miêu tả. Nói "thường” có nghĩa là có những trường hợp đặc biệt, không theo quy định này. Trong lúc đang còn là học sinh, khi luyện tập, trước hết các em hãy cứ theo quy định như trên.
Như thế, để làm bài tập này, có thể tham khảo một dàn ý dưới đây :
Mở bài : Giới thiệu cây đào hoặc cây mai (trắng hoặc vàng) mà em sẽ tả. Em nhìn và quan sát cây đào hoặc cây mai ấy trong một hoàn cảnh nào, thời điểm nào.
Thân bài : Lần lượt đi sâu vào miêu tả cụ thể theo một thứ tự nhất định. Ví dụ tả từ xa đến gần :
- Từ xa trông cây đào hoặc cây mai ấy như thế nào ?
- Đến gần nó hiện lên ra sao ?
Miêu tả các chi tiết cũng theo một thứ tự, ví dụ : bắt đầu từ gốc cây, thân cây, cành, lá, nụ, hoa, quả (nếu có). Mỗi chi tiết trên lại được mô tả từ hình dáng đến màu sắc, hương thơm (nếu có).
Sau đó miêu tả ra quang cảnh xung quanh, cây cỏ, thiên nhiên, thời tiết, mặt trời, chim chóc... Nghĩa là đặt cây đào hoặc cây mai đó trong bức tranh chung của thiên nhiên.
Advertisements (Quảng cáo)
Kết bài : Nêu cảm nghĩ của em về cây đào hoặc cây mai và ý nghĩa của chúng đối với mình cũng như mọi người trong dịp Tết đến, xuân về.
Đây là một đoạn văn tham khảo :
Hoa mai
Hoa mai thật có vẻ đẹp thanh tao. Hoa năm cánh nhỏ xinh xắn, trắng phau, gốc và cành khúc khuỷu. Hoa mai thường nở đều một loạt, đậu trong vòng nửa tháng rồi tàn. Nếu được ánh nắng Đông soi rọi vào cây mai đương nở hoa thì trông có vẻ trong trắng vô ngần. Hoa bắt ta phải liên tưởng đến tuyết sạch, giá trong.
Nói về hương sắc, hoa mai thật là một danh hoa. Hoa mai nở rồi tàn. Cánh hoa mai rung cũng thật là có ý nghĩa. Chỉ một cơn gió thoảng qua cùng đủ làm cho bao cánh hoa trắng rất nhẹ nhàng êm ái bay theo gió là là rơi xuống đất. Chừng như hoa mai đã nở thì cố giữ được tấm thân cho trong trắng, mà lúc phải tàn tạ thì coi cái chết như không.
(Theo Thùy Chi, Việt luận)
2. Để tả cảnh hoa phượng nở và tiếng ve kêu cho sinh động, em cần chú ý tìm hiểu về loài hoa phượng, con ve và tiếng ve kêu. Những kiến thức này có thể tìm thấy trong sách báo, phim, ảnh và đặc biệt là trên mạng in-tơ-nét. Em chỉ cần gõ vào trang google.com.vn hai chữ hoa phượng hoặc tiếng ve là có thể tham khảo được nhiều nguồn tư liệu khác nhau về phượng và ve, cả âm thanh và hình ảnh. Tuy nhiên, nếu nơi em sống có cây phượng vĩ thì tốt nhất cần một lần ngắm nhìn nó vào mùa hè khi phượng nở. Quan sát, lắng nghe và suy nghĩ, ở đây có thể gợi ý mấy đặc điểm chung :
- Phượng nở gắn với mùa hè, mùa thi, mùa chia tay... gắn với những kỉ niệm thời cắp sách đến trường, tuổi thơ khó phai nhoà trong kí ức mỗi con người... nên hoa phượng còn có tên là Hoa học trò.
- Hoa phượng đỏ rực, chói lọi, nở thành từng chùm, thành từng khối hoa lửa rực rỡ cả một góc trời. Người ta thường ví màu đỏ của hoa phượng như màu máu, như lửa cháy, như bó đuốc giữa trời xanh...
- Cây phượng có tán to rộng xoè ra như những chiếc dù khổng lồ che mưa, che nắng. Mùa hoa phượng rất lâu, thường kéo dài từ tháng năm, tháng sáu đến tận tháng chín.
- Vào hè, lúc phượng nở cũng là khi ve lên tiếng, vì thế hoa phượng thường gắn liền với tiếng ve kêu.
- Ve kêu vang vọng và dai dẳng, chúng lại sống thành từng đàn rất đông nên mỗi khi cất tiếng kêu là râm ran, rộn rã, náo động cả một vùng rộng lớn...
Từ kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, kết hợp với gợi ý trên, em hãy lập dàn ý cho bài văn này.