Bài tập
1. Đề 1, trang 65, SGK.
2. Các bạn trong một nhóm học tập đang thảo luận với nhau về cách viết hai đoạn văn nối tiếp nhau để chứng minh cho hai luận điểm sau đây :
(1) Bài “Một thứ quà của lúa non: Cốm” của Thạch Lam nói đến một món quà quê bình dị, còn “Mùa xuân của tôi” của Vũ Bằng lại viết về kỉ niệm về quê cũ của một kẻ tha hương.
(2) Cả “Một thứ quà của lúa non : Cốm” và “Mùa xuân của tôi” đều thể hiện tâm tình sâu nặng, thiết tha đối với quê hương đất nước, và đó chính là chỗ hay nhất của hai áng văn xuôi.
Em thấy hai luận điểm trên có chính xác, hợp lí không ?
3. Các bạn ấy đã nêu ra một số câu giới thiệu luận điểm thứ nhất như sau :
(a) Trước hết, ta sẽ chứng minh rằng : Bài “Một thứ quà của lúa non : Cốm” của Thạch Lam nói đến một món quà quê bình dị, còn “Mùa xuân của tôi” của Vũ Bằng lại viết về kỉ niệm về quê cũ của một kẻ tha hương.
(b) Trong khi bài “Một thứ quà của lúa non : Cốm” của Thạch Lam chỉ nói đến một món quà quê bình dị, thì “Mùa xuân của tôi” của Vũ Bằng lại nói đến cảm xúc chung về quê cũ của một kẻ tha hương.
(c) Đọc “Một thứ quà của lúa non : Cốm” của Thạch Lam và “Mùa xuân của tôi”của Vũ Bằng, ta có thể thấy ngay rằng cả hai áng văn xuôi ấy đều chứa đựng những hình ảnh thật thân thuộc của đất nước quê hương : “Một thứ quà của lúa non : Cốm” nói đến một món quà quê bình dị, còn “Mùa xuân của tôi” lại viết về kỉ niệm về quê cũ của một kẻ tha hương.
(d) Đọc “Một thứ quà của lúa non : Cốm” của Thạch Lam và “Mùa xuân của tôi”của Vũ Bằng, ta có thể thấy ngay rằng cả hai áng văn xuôi ấy đều được viết rất hay.
Em thấy dùng câu nào là đúng và hay hơn cả ?
4. Còn đây là một số câu giới thiệu luận điểm thứ hai :
(a) Tiếp theo, ta hãy chứng minh rằng : cả “Một thứ quà của lúa non : Cốm” và “Mùa xuân của tôi” đều thể hiện tấm tình sâu nặng, thiết tha đối với quê hương đất nước ; và đó chính là chỗ hay nhất của hai áng văn xuôi.
Advertisements (Quảng cáo)
(b) Tâm tình sâu nặng, thiết tha của lòng người với quê hương đất nước là chỗ hay nhất của hai áng văn xuôi “Một thứ quà của lúa non : Cốm” và “Mùa xuân của tôi”.
(c) Nhưng cho dù hình ảnh quê nhà ở “Một thứ quà của lúa non : Cốm” và “Mùa xuân của tôi” có quen thuộc, đẹp đẽ, sinh động đến đâu thì chỗ hay nhất của hai áng văn xuôi ấy vẫn là tấm tình sâu nặng, thiết tha của lòng người với quê hương đất nước.
Nếu em cũng tham gia thảo luận cùng các bạn thì em cho rằng chúng ta nên chấp nhận câu nào ?
5. Hãy viết một đoạn văn sao cho :
- Đoạn văn đó được mở đầu bằng một trong số những câu văn mà trong bài tập 3 hoặc bài tập 4, em cho rằng có thể chấp nhận làm câu giới thiệu luận điểm chính của bài làm.
- Các câu văn trong đoạn đó liên kết chặt chẽ với nhau.
- Đoạn văn đó chứng minh rõ được luận điểm đã nêu trong câu mở đoạn.
Gợi ý làm bài
1. Tham khảo đoạn văn sau :
Tôi thường nghĩ câu tục ngữ "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” vẫn là chân lí, mặc cho ai đó có hoài nghi. Bởi nó nói với ta một điều đúng đắn : Chỉ khi đi vào cuộc đời rộng lớn, ta mới thật sự có hiểu biết, mới "nên khôn”. Thực tế đã cho ta thấy: Trường học vĩ đại nhất là trường học cuộc đời. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà văn vô sản M. Go-rơ-ki đã gọi đời sống là "trường đại học của tôi”. Và những người sáng suốt khôn ngoan nhất - như Ác-si-mét, Ru-xô, Ê-đi-xơn, Các Mác, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh và biết bao nhân tài khác - đều là người chịu học và gắng học ở trường đời, để rồi sẽ đem những điều học được quay trở lại giúp ích cho cuộc sống. Còn nói về các kiến thức sách vở trong trường học thì xét cho cùng, đó cũng đều là những hiểu biết được đúc kết từ đời sống và chỉ trở nên vững chắc khi gắn bó chặt chẽ cùng đời sống. Vì thế, để thu lượm được những sàng khôn thì đi trên đường đời, để học hỏi ở cuộc đời vẫn là cách thức tốt hơn tất cả, cho dù không phải ai, không phải cách đi nào cũng đạt kết quả như nhau. Cho nên, "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” quả đúng là một lời khuyên quý giá mà tổ tiên ta đã truyền dạy lại cho muôn đời con cháu.
2. Để trả lời câu hỏi này, cần xem lại các bài học “Một thứ quà của lúa non : Cốm” và “Mùa xuân của tôi”.
3. Có thể thấy Câu aviết còn vụng, câu b chỉ nhấn mạnh vào tác phẩm của Vũ Bằng mà làm mờ tác phẩm của Thạch Lạm. Câu d giới thiệu không trúng luận điểm cần chứng minh.
4. Tương tự như câu acủa bài tập 3, câu a của bài tập này còn khá vụng về. Còn câu b không bảo đảm sự liên kết với đoạn văn trên đó, khiến bài làm sẽ trở nên rời rạc.